Tin trong ngành

Mô hình thống kê trên thế giới và thực tiễn Việt Nam

Tạo bởi bariavungtau

Ngày tạo 09/11/2015 - Lượt xem 5363

 

Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII. Tại Kỳ họp này, đã có một số ý kiến trái chiều về vị trí pháp lý của cơ quan thống kê, đa số đại biểu cho rằng cơ quan thống kê nên giữ nguyên như hiện nay là trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số cho rằng nên trực thuộc Chính phủ, một số lại cho rằng nên trực thuộc Quốc hội. Để giúp đại biểu Quốc hội có được cái nhìn toàn diện và làm rõ thêm vấn đề này, tác giả bài viết xin giới thiệu vài nét về mô hình thống kê thế giới và thực tiễn tại Việt Nam 08:37 | 18/10/2015

 

Mô hình thế giới

Tùy thuộc vào hệ thống chính trị của mỗi quốc gia mà mô hình thống kê được quy định khác nhau, hiện nay trên thế giới có 2 mô hình cơ bản sau:

 Điểm đặc biệt là vị trí của cơ quan thống kê Trung ương không phụ thuộc vào mô hình tổ chức thống kê. Ở các nước khác nhau, vị trí của cơ quan thống kê Trung ương có sự khác nhau và cũng thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử cụ thể của từng nước. Trên thế giới, vị trí của cơ quan thống kê Trung ương có thể là: Cơ quan ngang bộ, trực thuộc chính phủ, trực thuộc tổng thống, trực thuộc bộ (Việt Nam, Pháp, Thụy Điển, Na Uy…).

Một là, hệ thống thống kê tập trung. Đây là cơ quan độc lập và được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến vùng, địa phương và hoạt động theo cơ chế tập trung. Cơ quan thống kê vùng, địa phương có nhiệm vụ thu thập số liệu, có xử lý kết quả điều tra nhưng không nhiều, chủ yếu gửi về cơ quan thống kê Trung ương để xử lý số liệu. Sản xuất số liệu tại cơ quan thống kê Trung ương mang tính tập trung cao. Mô hình này có ưu điểm là phù hợp với hệ thống chính trị được chia thành nhiều cấp và tạo điều kiện cho quản lý công tác thống kê một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương; cũng như có khả năng hoạch định và phối hợp trên toàn bộ hệ thống thống kê, khả năng thiết lập các ưu tiên dài hạn và cấp ngân sách cho các ưu tiên này; cung cấp số liệu thống kê theo cơ chế một cửa; tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin và công nghệ thông tin chung… Tuy nhiên mô hình này cũng tồn tại những hạn chế như:  Không đáp ứng được nhu cầu số liệu phục vụ quản lý theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các số liệu có tính chất chuyên ngành, chuyên sâu; bị tách rời khỏi đối tượng người dùng chủ yếu trong Chính phủ, thiếu tính phản hồi; cần phải thuyết phục các nhà sản xuất số liệu khác để hợp tác cùng nhau; phải cạnh tranh giữa các ưu tiên do nguồn lực có hạn; văn phòng trung tâm từ xa không thể kiểm soát hoàn toàn các vấn đề của hệ thống hồ sơ hành chính; cần có phạm vi rộng về kiến thức chuyên môn cần thiết trong nội bộ.


Nguồn: baodautu.vn

Hai là về thống kê phân tán. Mỗi bộ, ngành hoặc tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm biên soạn số liệu thống kê khác nhau, liên quan đến lĩnh vực cụ thể của từng bộ, ngành. Mô hình này có ưu điểm phù hợp với những đất nước nhỏ, có trình độ phát triển cao; mô hình gọn nhẹ, chuyên nghiệp; có liên kết thống kê mạnh mẽ với các hệ thống thông tin và quản lý hành chính; có khả năng quản lý tốt hơn chất lượng của dữ liệu từ các nguồn hành chính. Bên cạnh đó, số liệu thống kê địa phương dễ tổ chức hơn, dễ kiểm soát số liệu thống kê bộ, ngành. Cũng như mô hình thống kê tập trung, mô hình phân tán cũng tồn tại một số vấn đề, đó là khi áp dụng ở nước có quy mô lớn, đang phát triển dễ dẫn đến tình trạng thừa, bỏ sót và mâu thuẫn về số liệu thống kê do các tổ chức khác nhau biên soạn có thể do ảnh hưởng phân cấp; số liệu không có sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực do sử dụng phương pháp, chuẩn mực không thống nhất; dễ gặp các áp lực chính trị; khó thiết lập các tiêu chuẩn chung; nằm ngoài các hoạt động chính của cơ quan trung ương và việc chia sẻ dữ liệu có thể gặp khó khăn.

Mô hình ở nước ta hiện nay

Mô hình thống kê nước ta là mô hình tập trung kết hợp với phân tán. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa Hệ thống thống kê tập trung của cơ quan Thống kê Trung ương với hệ thống thống kê phân tán ở các bộ, ngành. Theo đó, Hệ thống thống kê nước ta bao gồm: (1) Hệ thống thống kê tập trung (Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và (2) Tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, hệ thống thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm Cơ quan Thống kê Trung ương (Tổng cục Thống kê) và các cơ quan thống kê địa phương (Cục Thống kê các tỉnh, thành phố).

 Tính độc lập khách quan của số liệu thống kê được hiểu là theo quy định của Luật gồm 2 yếu tố: độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và độc lập về người làm công tác thống kê. Vì vậy, tại Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 đã quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê là bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê.

Mô hình thống kê này có ưu điểm là công tác thống kê được quản lý một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương và có sự phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thống thống kê tập trung và thống kê bộ, ngành. Tính ưu việt của mô hình thống kê nước ta hiện nay còn thể hiện rõ ở chỗ dễ dàng áp dụng đồng bộ, thống nhất các chuẩn mực thống kê quốc tế cũng như áp dụng thành tựu công nghệ thông tin và truyền thông trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích, công bố và lưu trữ số liệu thống kê trong toàn bộ hệ thống thống kê Nhà nước; phù hợp với hệ thống quản lý 4 cấp ở Việt Nam (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và phân cấp quản lý theo lãnh thổ và theo ngành, lĩnh vực. Với mô hình này, hệ thống thống kê sẽ bao quát toàn diện các lĩnh vực và bao quát toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Nhờ vậy thông tin thống kê sản xuất ra sẽ phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin của lãnh đạo, điều hành ở cấp Trung ương, địa phương thông qua việc phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa Cơ quan Thống kê Trung ương và bộ, ngành trong việc thu thập, tổng hợp, công bố các chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó còn phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin của lãnh đạo bộ, ngành đối với những thông tin thuộc ngành, lĩnh vực bộ, ngành phụ trách.

Tuy nhiên, để vận hành được mô hình thống kê này đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải có nhận thức đầy đủ về vai trò của thống kê và vai trò của chính bản thân họ trong công tác thống kê. Hơn nữa cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thống thống kê tập trung và thống kê phân tán tại bộ, ngành. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống tăng cường mối quan hệ với người cung cấp thông tin và tìm hiểu nhu cầu của người dùng tin. Cần tăng cường phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin trong công tác thống kê.

Từ những phân tích về mô hình thống kê trên thế giới và thực tiễn hoạt động thống kê ở nước ta hiện nay cho thấy, mô hình thống kê tập trung kết hợp phân tán và cơ quan thống kê trực thuộc bộ như hiện nay là phù hợp.  Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015, một số cử tri cho rằng cơ quan thống kê nên là cơ quan độc lập như Kiểm toán Nhà nước. Cần phải thấy rằng, tính độc lập khách quan của số liệu thống kê được hiểu là theo quy định của Luật gồm 2 yếu tố: độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và độc lập về người làm công tác thống kê. Vì vậy, tại Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 đã quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê là bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê.

Dự án Luật cũng quy định rõ quyền và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương và địa phương, thủ trưởng cơ quan thống kê bộ, ngành trong hoạt động thống kê… nhằm bảo đảm tính độc lập về chuyên môn của các cơ quan thống kê trong hoạt động thống kê. Bên cạnh đó, quy định như Dự án Luật là phù hợp với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, 9 (Khóa XI) của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị và Kết luận số 63/KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “từ nay đến năm 2016, về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện”. Do đó, trong Dự án Luật vẫn quy định Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trần Tuấn Hưng

Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê
(Nguồn website: http://www.daibieunhandan.vn)